Căng thẳng có thể khiến da trở nên nhạy cảm và dễ phản ứng hơn. Nó làm cho các vấn đề về da khó chữa lành, thậm chí trầm trọng hơn.
Lâu lành vết thương
Theo Woman’s Day, một nghiên cứu năm 2012 trên Tạp chí Brain Behavior and Immunity cho thấy những người nghe một bản nhạc thư giãn trước và sau khi phẫu thuật ít căng thẳng và phục hồi nhanh hơn so với các bệnh nhân khác. Phát hiện này cho thấy căng thẳng có thể ảnh hưởng đến tế bào miễn dịch ở da, rất quan trọng trong việc kiểm soát vết thương.
Đau
Những phụ nữ đang bị căng thẳng, đột ngột phải tiếp xúc với cảm giác nóng hoặc lạnh (nước nóng hoặc nước lạnh) lên da, sẽ bị đau dữ dội hơn. Nguyên nhân có thể là do căng thẳng kích thích sản xuất các protein gây viêm gọi là cytokines, những protein này tham gia và các phản ứng miễn dịch khiến các sợi thần kinh của da nhạy cảm hơn. Lời khuyên của bác sĩ là hãy xem một bộ phim hoặc video hài hước, tiếng cười có thể làm giảm căng thẳng và giải phóng endorphins, hormone giúp giảm đau hiệu quả.
Bệnh vảy nến
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên kết mật thiết giữa trầm cảm, lo âu và căng thẳng với các triệu chứng của bệnh vảy nến. Theo đó, 44% bệnh nhân vảy nến phải trải qua cuộc sống căng thẳng trước khi mắc phải tình trạng này, và 88% phát triển bệnh nặng hơn do căng thẳng.
Căng thẳng có thể gây ra và làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến. Ảnh: Womansday.
Hệ miễn dịch của da suy yếu
Trong nghiên cứu mới đây của Đại học Y khoa Iwate (Nhật Bản), stress ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da, ngăn chặn quá trình đào thải độc tố ra ngoài, đồng thời kích thích cơ thể tiết ra quá nhiều hormone cytokien, khiến da dễ bị nhiễm trùng và mất nước. Hãy chắc rằng bạn uống đủ nước và ngủ đủ giấc để giảm căng thẳng và tăng cường hệ miễn dịch.
Bệnh eczema
Các nhà khoa học cho rằng khi bị stress, hệ thống thần kinh tự chủ phải hoạt động quá mức, dẫn đến phản ứng miễn dịch viêm, ảnh hưởng đến các căn bệnh viêm da dị ứng, đặc biệt là eczema. Ngoài ra, các chất có liên quan đến tình trạng viêm này được tìm thấy trong máu của những bệnh nhân bị eczema.
Rụng tóc
Một nghiên cứu năm 2014 của Journal of Dermatology (Ấn độ) phát hiện 38% bệnh nhân bị rụng tóc từng vùng – nguyên nhân do rối loạn da – bị trầm cảm, trong khi 62% bệnh nhân luôn cảm thấy lo âu. Đặc biệt, căng thẳng có thể khiến bệnh rụng tóc tái phát và trầm trọng hơn.
Ngứa
Căng thẳng mãn tính có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn triệu chứng ngứa trên da. Một đánh giá được công bố trên tạp chí Experimental Dermatology năm 2013 cho thấy rằng hệ thống thần kinh tự chủ hoạt động quá mức khi căng thẳng gây ra những thay đổi nhất định trong não bộ, liên quan mật thiết đến nhận thức ngứa.
Mụn
Các chuyên gia cho rằng cảm xúc buồn khổ, lo lâu có thể gây rối loạn sự cân bằng vi khuẩn đường ruột, dẫn đến viêm khắp cơ thể, bao gồm cả làn da. Stress khiến cơ thể giải phóng nhiều nội tiết tố androgen và cortisol từ tuyến thượng thận, tăng sản lượng chất dầu trên da, dẫn đến mụn.