Sunday, January 19, 2025
Trang chủSức khỏeCảnh giác với bệnh tiêu chảy ở trẻ em trong mùa hè

Cảnh giác với bệnh tiêu chảy ở trẻ em trong mùa hè

Tiêu chảy là bệnh thường gặp vào mùa hè, nhất là ở trẻ em.

Tiêu chảy là bệnh thường gặp vào mùa hè, nhất là ở trẻ em. Bệnh tiêu chảy là đi tiêu phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ. Riêng trẻ sơ sinh bú mẹ, có thể đi tiêu 5-6 lần trong ngày.

Tieu-chay-mua-he-o-tre_3

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 1,5 tỷ lượt trẻ em bị tiêu chảy, trong đó có từ 1,5-2,5 triệu trường hợp tử vong. Phần lớn trẻ tử vong do tiêu chảy gặp dưới 2 tuổi và sống tại những nước đang phát triển.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em

Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả…) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Cơ chế gây bệnh có thể do độc tố của vi khuẩn gây ra, triệu chứng thường xuất hiện sớm (dưới 6 giờ sau khi nhiễm bệnh), hoặc do vi khuẩn trực tiếp gây tổn thương hệ thống tiêu hóa, triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện muộn hơn.

Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Tác nhân gây tiêu chảy thường gây bệnh bằng đường phân – miệng: phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có thể do dị ứng với thức ăn, bất dung nạp thức ăn, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng kháng sinh kéo dài.

Tieu-chay-mua-he-o-tre_1

Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.

Sự nguy hiểm của bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Bệnh tiêu chảy gồm tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài và hội chứng lỵ, trong đó phần lớn trẻ em bị bệnh tiêu chảy là mắc tiêu chảy cấp.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ mất nước và bù nước điện giải bằng đường uống dung dịch oresol, truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

Nếu tiêu chảy không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý, trẻ sẽ bị “cạn nước trong người” dần (từ chuyên môn gọi là “có dấu mất nước”). Nếu cơ thể “cạn nước” thì sẽ hoạt động yếu dần, và nếu không được bổ sung kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Ngoài ra, tiêu chảy cũng làm rối loạn các chất khoáng trong cơ thể mà hậu quả là các hoạt động của các cơ quan sẽ bị rối loạn.

Nếu tiêu chảy kéo dài sẽ dễ đưa đến suy dinh dưỡng, một trong những biến chứng rất nguy hiểm của tiêu chảy, góp phần làm tử vong dễ xảy ra. Tiếp theo, suy dinh dưỡng sẽ làm bệnh tiêu chảy khó điều trị và kiểm soát.

Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, điều trị rất khó khăn và có thể gây tử vong.

Xử trí tiêu chảy thế nào?

Uống nhiều nước hơn bình thường: nếu trẻ còn bú cần cho bú nhiều và lâu hơn. Cần cho trẻ uống thêm dung dịch bù nước (ORS) sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay sau khi nôn ói. Ngoài ORS, trẻ trên 6 tháng tuổi còn có thể uống nước súp, nước cơm, nước cháo, nước dừa, nước hoa quả tươi không đường, nước chín để nguội.

Tiếp tục cho ăn: Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bú thường xuyên hơn và bú lâu hơn. Ở trẻ lớn hơn thì khẩu phần ăn hàng ngày nên được tiếp tục và tăng dần lên. Ở những trẻ có nôn ói thì khẩu phần ăn nên được chia ra làm nhiều bữa nhỏ. Sau khi hết tiêu chảy nên cho bé ăn nhiều hơn để hồi phục lại dinh dưỡng cho bé.

Bổ sung kẽm: Các nhân viên y tế sẽ cho bé uống bổ sung kẽm dưới dạng viên hoặc nước, uống l0-14 ngày. Kẽm góp phần giúp giảm thời gian và độ nặng của tiêu chảy, đồng thời giúp giảm nguy cơ tiêu chảy trong thời gian tới.

Ngoài ra,  cần đưa trẻ trở lại ngay cơ sở y tế nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau: Trẻ không ăn uống được và bỏ bú, sốt cao hơn, trẻ rất khát nước hoặc trong phân có máu.

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Tieu-chay-mua-he-o-tre_2

Cần cho trẻ ăn những thực phẩm sạch, tươi mới và đầy đủ dưỡng chất cần thiết để ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh tiêu chảy.

Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, trong thời gian này người mẹ cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất và nghỉ ngơi hợp lý để có lợi cho việc tạo sữa.

Cho trẻ ăn nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh ăn toàn vệ sinh thực phẩm; không cho bé dùng thực phẩm để lâu hoặc bảo quản không đúng cách.

Luôn giữ thói quen (cho chính mình và cho bé) rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do rotavirus.

Khí hậu nóng ẩm mùa hè là điều kiện thuận lợi cho nhiều tác nhân gây tiêu chảy xâm nhập cơ thể. Bệnh thường gặp ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, thức ăn bị ô nhiễm. Người già, trẻ em là những đối tượng dễ mắc bệnh nặng, có thể suy thận, trụy mạch nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô thoáng để tránh các tác nhân gây bệnh.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT