Monday, January 20, 2025
Trang chủNhiếp ảnhChụp ảnh trong mọi thời tiết

Chụp ảnh trong mọi thời tiết

Nếu biết tận dụng triệt để sức mạnh của ánh sáng và góc nhìn, người chụp vẫn có thể thu được những bức ảnh đẹp bất chấp thời tiết nào đang xảy ra Một bầu trời trong xanh với ánh nắng nhẹ là kiểu thời tiết lý tưởng để ra ngoài và bắt hình bằng chiếc máy ảnh “cưng” của mình.

Dù vậy, cũng đừng ngồi nhà khi ngoài trời đang vần vũ mây hay thậm chí xảy ra mưa to, gió lớn. Khi đã bước chân vào nhiếp ảnh, người chụp phải tập cho mình thói quen làm việc với tất cả các điều kiện thời tiết dù là khắc nghiệt nhất. Trong suốt bốn mùa của năm, không phải lúc nào bầu trời cũng đủ quang đãng để thực hiện những ý tưởng mới mẻ.

Sau đây là một vài kinh nghiệm chụp trong các điều kiện thời tiết điển hình.

1. Ngày hè

chup-anh-moi-thoi-tiet_25.6.14_1

Nguồn đề tài cho nhiếp ảnh vào ngày hè thường rất phong phú. Ảnh: Flickr.

Mùa hè là thời gian lý tưởng để chụp hình. Người chụp có thể cầm máy ngay từ sáng sớm tinh mơ để tận dụng những ưu thế của ánh nắng và khung cảnh xung quanh. Khi mặt trời đứng bóng, ánh sáng sẽ gắt hơn, hãy nghỉ ngơi và chuẩn bị đồ đạc để tiếp tục “chinh chiến” vào buổi chiều muộn. Với những người mới chơi, nên bắt đầu từ một số thể loại nhiếp ảnh đơn giản, như macro hoa cỏ, côn trùng hay chụp phong cảnh đơn thuần. Khi đã thành thạo, có thể làm quen với các kỹ thuật khó hơn như HDR, ngược sáng, Panorama hay chụp chuyển động nhanh…

Chụp ảnh vào mùa hè nên mang theo loa chắn nắng cho ống kính, đặc biệt là các ống chân dung và tele để hạn chế hiện tượng lóe sáng và mù ảnh. Có thể sử dụng các mặc cảnh sẵn có hoặc thay đổi cân bằng trắng trong máy khi chụp vào những thời điểm đặc biệt như: bình mình, hoàng hôn hay lúc trời có mây… Đặc biệt, khi chụp ảnh chân dung và sản phẩm, nên sử dụng thêm flash rời hoặc hắt sáng để tăng cường độ sáng cho khuôn mặt và hạn chế hiện tượng đổ bóng không đáng có.

2. Trời mưa

chup-anh-moi-thoi-tiet_25.6.14_2

Thay đổi điểm nhìn để thu được những bức ảnh mưa ấn tượng. Ảnh: Flickr.

Mưa là một đề tài khó khai thác trong nhiếp ảnh. Thời điểm trước và sau cơn mưa thường rất có giá trị do sự thay đổi đột ngột của điều kiện chiếu sáng. Bạn có thể đưa vào ảnh một vùng phong cảnh rộng lớn với bầu trời dày đặc mây đen hay đi sâu vào khai thác những hoạt động của con người một vài phút trước khi mưa đổ xuống… Thậm chí ngay trong lúc mưa, hãy đi ra ngoài và làm một vài thước chụp về dãy phố, hàng cây trước nhà hay đơn giản chỉ là những giọt nước trên lá. Nếu may mắn, có thể thu được những bức ảnh vô cùng đắt giá.

Khi làm việc trong các điều kiện thời tiết bất lợi, điều quan trọng nhất là phải có các biện pháp bảo vệ bản thân và thiết bị. Cũng không nhất thiết phải có một dàn đồ nghề chuyên nghiệp như vỏ nhựa bảo vệ, túi chống ẩm, máy ảnh chống nước… Đôi khi, chỉ cần bọc máy trong một chiếc áo mưa và để thò phần ống kính ra ngoài là sẵn sàng để tác nghiệp dù trời có mưa to hay ngập lụt nặng đến mấy!

3. Ngày u ám

chup-anh-moi-thoi-tiet_25.6.14_3

Chuyển ảnh về gam cũ buồn để giảm bớt sự xám xịt của bầu trời vào những ngày nhiều mây. Ảnh: Flickr.

Nhiều người không thể chịu được cảm giác nặng nề, u ám vào những ngày nhiều mây. Ảnh chụp thường bị xỉn do ánh sáng khuếch tán yếu và nhạt màu. Hãy hạn chế tới mức tối đa việc đặt nền trời xám xịt vào những khung hình của mình. Nếu không thể nhiếp ảnh phong cảnh trong điều kiện thời tiết xấu, bạn có thể thử những thể loại khác như chụp tĩnh vật trong nhà, chụp ảnh đời thường hay thậm chí, chụp mẫu nếu chọn được địa điểm đẹp… Do chất lượng ánh sáng không tốt, người chụp nên sử dụng tới các phần mềm chỉnh sửa để đẩy cao độ tương phản hoặc đưa màu sắc của ảnh về gam cũ buồn. Cũng có thể đưa ảnh về dạng đen trắng nếu muốn tác phẩm diễn đạt chiều sâu nội tâm.

4. Ngày có tuyết

chup-anh-moi-thoi-tiet_25.6.14_4

Ảnh chụp một con phố ở Paris dưới cơn mưa tuyết. Ảnh: Flickr.

Nếu có điều kiện ra nước ngoài vào mùa đông, bạn sẽ rất thích thú khi ngắm nhìn những con đường và hàng cây ngập trong màu trắng của tuyết. Thời tiết lạnh sẽ làm pin máy ảnh chóng hết hơn. Vì vậy, nếu như có ý định chụp ảnh ngoài trời trong một thời gian dài, nên mang theo một cục pin dự phòng và luôn giữ trong người để nhiệt độ pin không hạ xuống quá thấp. Khi di chuyển đột ngột vào những nơi ấm hơn (như trong nhà hay gần bếp lò), nước sẽ ngưng tụ rất nhanh trên ống kính và thân máy. Vì vậy, hãy đặt thiết bị của mình ở trước cửa trong vài phút và đưa dần vào trong nhà để nhiệt độ của chúng tăng lên một cách từ từ.

Chụp ảnh tuyết đòi hỏi kỹ thuật rất chính xác. Phơi sáng non sẽ làm ảnh bị xám ngắt. Ngược lại, nhiều khi nâng thời gian mở cửa trập quá tay lại khiến ảnh bị cháy, dẫn tới mất nhiều chi tiết. Có thể giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng mặc cảnh “Snow” được tối ưu sẵn trong đa số máy ảnh du lịch hiện nay. Nếu dùng DSLR, hãy đặt đo sáng ở chế độ ma trận và tùy vào lượng tuyết trắng có trong khung hình mà bù sáng thêm khoảng 0,3 cho tới 1 eV. Một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn là lưu ảnh dưới dạng thô RAW rồi mặc sức xử lý cân bằng trắng và độ sáng ở khâu hậu kỳ sau này.

Chụp tuyết cũng có những đặc thù riêng. Người chụp sẽ thu được những bức ảnh rất trong nếu trời quang đãng và có nắng nhẹ. Tuy nhiên, nếu chụp vào lúc bình minh hay hoàng hôn, đôi khi ảnh sẽ bị bết do tuyết phản xạ mạnh ánh sáng đến từ môi trường. Vì vậy, hãy vận dụng các chế độ cân bằng trắng khác để đưa màu sắc về mức hợp lý nhất. Thông thường, chế độ “Cloud” sẽ giúp ảnh thêm ấm áp bằng cách đẩy cao các gam đỏ và vàng. Trong khi đó, với tùy chọn “Sunny”, máy sẽ làm giảm độ rực để thu được một bức hình mát mẻ, trung tính.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT