Sunday, January 19, 2025
Trang chủSức khỏeGiấy càng trắng càng độc hại

Giấy càng trắng càng độc hại

Theo nghiên cứu, giấy càng trắng càng sử dụng nhiều hóa chất độc hại. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.

Giay

Giấy trắng hơn nhờ hóa chất

Theo ThS Nguyễn Văn Hiệp, Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường (Công ty TNHH Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo), từ trước đến nay mọi người vẫn cho rằng cần tăng độ trắng của giấy để tăng độ tương phản giữa giấy nền và mực in, giúp hình ảnh trở nên rõ nét hơn.

Tuy nhiên, ở lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất, ThS Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ rằng, để tăng độ trắng cho các sản phẩm giấy in, giấy viết người ta thường sử dụng một lượng chất độn có độ trắng cao, tẩy trắng bột giấy và chất làm trắng quang học trong quá trình sản xuất. Việc làm này hoàn toàn không tốt cho sức khoẻ, môi trường.

ThS Nguyễn Văn Hiệp phân tích, quá trình làm giấy trắng được diễn ra từ khâu tăng độ trắng cho bột giấy đầu vào bằng các hóa chất tăng độ trắng, loại bỏ lignin, các hợp chất biến đổi và các hợp chất mang màu. Hóa chất phổ biến trong quá trình tẩy là các hợp chất của clo, clo, xút, H2O2…

Tiếp đến, người ta sử dụng hóa chất tăng trắng quang học trong quá trình sản xuất giấy. Đây là cách tăng ánh sáng phản xạ và phẩm màu để hấp thụ ánh sáng vàng và đỏ nhằm tạo cảm giác trắng hơn. Các chất tăng trắng quang học được sử dụng phổ biến như nhóm sulfonate, các chất huỳnh quang trong đó có tinopal…

Giấy càng trắng càng nguy hại

Theo bà Phạm Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN Bộ Công Thương cho biết: “Ngày nay, xu hướng các nước phát triển thường sử dụng các sản phẩm giấy có độ trắng nhỏ hơn 80%ISO. Trong khi đó người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chọn và sử dụng các loại giấy có độ trắng khá cao lên tới 84-90%ISO cho nhu cầu ghi chép, học tập, in ấn… mà không biết rằng để có loại giấy có độ trắng cao và rất cao các nhà sản xuất phải sử dụng các loại chất tẩy trắng giấy”.

Trên thực tế, một nhóm nhà nghiên cứu của Học viện Quân y và Nhà xuất bản Giáo Dục đã lựa chọn 102 học sinh tiểu học và THCS ở Cầu Giấy, Hà Nội. Nhóm nghiên cứu dùng camera độ phân giải cao gắn gần mắt, ghi hình cận cảnh mắt và đồng tử trong quá trình đọc, qua đó đo các thông số: kích thước đồng tử, khoảng cách khe mi, sự thay đổi đường kính đồng tử khi nhìn vật sát và xa mắt, số lần nháy mắt. Trước và sau mỗi lần đọc, các em đều được đo thị lực. Nhóm nghiên cứu nhận thấy kích thước đồng tử sau khi đọc hết hai trang giấy ở loại giấy trắng 82-84% ISO là lớn nhất và ở loại giấy 73-75% ISO là nhỏ nhất. Điều đó cho thấy sự thích nghi của mắt với loại giấy 73-75% ISO tốt hơn. Kết quả thực nghiệm cũng phản ánh khoảng cách khe mi sau khi đọc sách có độ trắng 73-75% ISO là nhỏ nhất và lớn dần khi giấy trắng hơn. Qua đó, nhóm nghiên cứu cho rằng đây là thông số đánh giá sự thích nghi của mắt, khoảng cách khe mi thay đổi nhiều nghĩa là mắt phải làm việc nhiều.

TS.Nguyễn Đăng Quang, nguyên PGĐ Nhà xuất bản Giáo dục cũng đồng tình và khẳng định thêm: “Nhiều người nghĩ rằng dùng giấy trắng- càng trắng càng tốt, giấy càng trắng in hoặc viết mực đen lên thì sẽ đọc, nhìn dễ dàng. Khi học sinh liên tiếp phải đọc những dòng chữ chi chít trên hàng chục đến hàng trăm trang giấy sáng thì mắt sẽ bị lóa, mỏi và lâu ngày sẽ sinh ra cận thị”.

“Trên thế giới người ta cấm tuyệt đối không được cho chất tăng trắng, cụ thể là chất huỳnh quang, vào các loại giấy bao gói thực phẩm, giấy làm cốc đĩa ăn, giấy vệ sinh. Bởi các chất này có nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ người dân, trong đó không loại trừ ung thư”, Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Tổng Công ty giấy Việt Nam cho hay.

Thêm nữa, ThS Nguyễn Văn Hiệp Trung tâm Khoa học công nghệ và Môi trường (Công ty TNHH Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo) nhấn mạnh: “Bản chất của hiện tượng làm tăng độ trắng quang học là tăng cường độ của tia phản xạ, tăng độ trắng cảm quan cho giấy. Điều đáng nói là các chất tăng trắng quang học đều không bền với thời gian nên giấy bị giảm độ trắng và ố dần khi sử dụng.

Ngoài ra, các chất hóa học có những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ và môi trường. Như chất tăng trắng huỳnh quang gây kích ứng với mắt và phản ứng với các vùng da nhạy cảm. Khi tồn tại trong nước chất tăng trắng có hại cho cá và thủy sinh. Đây cũng là các hợp chất khó phân hủy, tích tụ sinh học nên nguy hiểm đến sức khoẻ và môi trường về lâu dài…”.

Tiến sĩ Đặng văn Sơn còn cho biết, chất tăng trắng thường được dùng với hàm lượng nhỏ, như 1 tấn nguyên liệu chỉ cần 1 kg. Tuy nhiên, vấn đề là nguồn gốc xuất xứ hóa chất đó từ đâu, đã được đánh giá chỉ tiêu an toàn hay chưa. Riêng hóa chất tẩy trắng cũng có rất nhiều loại, chất lượng, tác hại khác nhau, rất khó kiểm soát. Vì vậy, giấy càng trắng càng gây nhiều nguy hại cho người tiêu dùng.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT