Saturday, January 18, 2025
Trang chủSức khỏeGiun sán tàn phá cơ thể như thế nào?

Giun sán tàn phá cơ thể như thế nào?

Nhiều người chủ quan cho rằng giun sán chỉ gây ngứa, mủ và viêm da, nhưng nhiều trường hợp chúng có thể di chuyển và phá hủy các bộ phân khác như não, cơ tim, mắt.

Giun sán có nguy hiểm không?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Phòng khám Quốc tế Ánh Nga, chuyên khoa Ký sinh trùng cho biết thói quen ăn rau, hải sản và thịt tái, sống của chúng ta đã tạo điều kiện cho giun sán và các loại ký sinh trùng nguy hiểm đi vào cơ thể.

Bệnh giun sán có rất nhiều loại, trong đó có các loại hay gặp ở Việt Nam là sán lá gan lớn, giun đầu gai, giun lươn, giun đũa chó/mèo, amíp, sán máng, sán gạo heo và sán lá phổi (Paragonimus).

Trong đó, mỗi loại sẽ gây một sức tàn phá khác nhau trong cơ thể. Chúng có thể ăn lên não, cơ tim, mắt hoặc chỉ gây ngứa, mủ và viêm da. Biểu hiện rõ ràng dễ nhận thấy nhất khi bị giun sán là ngứa da.

Khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng không phát triển ngay thành những con giun nhỏ, mà tiếp tục tồn tại dưới dạng ấu trùng, hình thành những khối u di chuyển được trong da và mô mềm, thường xuất hiện ở mặt, mu bàn tay, lưng, mông, bụng…

Khối u này dần chuyển thành một nốt nhỏ hoặc một khối phù nề, gây ra những tổn thương đối với hệ thần kinh trung ương như làm rối loạn tri giác, liệt nửa người, hôn mê.

Ngoài ra, ấu trùng trong lươn còn có thể di chuyển vào nội tạng như gan, phổi, gây đau bụng, ho, đau ngực, khó thở.

Nếu chúng di chuyển vào mắt thì sẽ gây xuất huyết, giảm thị lực, dẫn đến mù lòa.

Còn khi chúng chui vào hốc tai, hốc mũi sẽ gây ra hiện tượng nhức tai, viêm mũi.

Loại sán ăn não nguy hiểm nhất hiện nay, tiêu biểu là sán chó (dễ có trong rau sống, thịt sống, tái, gỏi cá), ấu trùng sán gạo heo (thịt lợn không nấu kỹ, tiết canh), giun lươn (có trong rau sống, động vật thủy sinh như ốc, sò hấp, có thể gây tử vong).

sk-16-9Hình ảnh ấu trùng sán lợn trong thực phẩm và dưới da con người. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.

Vẫn theo bác sĩ Ánh, các loại giun sán nguy hiểm, dễ gặp tùy thuộc theo vùng miền. Ở Miền Bắc, người ta chủ yếu bị sán gạo heo do thói quen ăn tiết canh. Hiện nay nhiều người cũng hay mắc sán chó/mèo nhưng các trung tâm y tế lại ít quan tâm đến vấn đề điều trị nên dễ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Giun sán có thể tồn tại hàng chục năm trong cơ thể

Bác sĩ Ánh cho biết, đa phần các trường hợp nhiễm giun sán là qua đường tiêu hóa, tức ăn uống mất vệ sinh.

Trong đó, tiết canh, gỏi cá, thịt tái, bò lúc lắc, rau sống là những thực phẩm dễ chứa ấu trùng giun sán nhất hiện nay.

“Nhiều người vẫn ăn những thực phẩm này và tự tin rằng mình không gặp rắc rối. Song, chúng ta cần hiểu rằng không phải lúc nào ấu trùng giun sán đi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng nguy hiểm ngay lập tức.

Chẳng hạn, khi bạn ăn tiết canh lợn có chứa ấu trùng sán gạo lợn, chúng sẽ xuyên qua thành ruột lên não và tồn tại hàng chục năm, tạo thành vôi trong não. Một số trường hợp sau 5-7 năm chúng sẽ gây viêm và tử vong cho người bệnh.

Thời gian này tùy thuộc vào cơ địa, hệ miễn dịch của từng người. Do đó, mọi người tuyệt đối không được chủ quan”, bác sĩ Ánh khuyến cáo.

Theo đó, khi nhiễm giun sán cơ thể bị tác động một cách âm ỉ kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng, thể chất, tinh thần và trí tuệ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.

Phụ nữ trưởng thành và trong độ tuổi sinh sản, nhiễm giun sán gây thiếu máu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi, thậm chí đẻ non, thiếu cân, tử vong.

Đặc biệt, Việt nam là nước có khí hậu nhiệt đới, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, tập quán sinh hoạt cũng như vệ sinh môi trường rất thích hợp cho sự phát triển và lây nhiễm của các mầm bệnh ký sinh trùng.

Người bị mắc giun bên cạnh do ăn uống, việc vô tình sờ vào vật dụng có ấu trùng cũng có thể mắc bệnh.

Tẩy giun không trị được giun sán

Chúng ta thường được khuyến cáo tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Song thuốc này chỉ tiêu diệt được những loại giun có trong ruột, có thể gồm giun móc, giun tóc, giun lươn, giun kim. Thực chất có rất nhiều ấu trùng giun sán tập trung trong máu, nên thuốc tẩy giun khó có tác dụng với chúng. Vì vậy, việc phòng ngừa giun sán và tránh tái nhiễm là rất quan trọng.

Vì vậy, theo bác sĩ Ánh, tốt nhất, chúng ta nên đi xét nghiệm giun sán từ 6-12 tháng một lần.

Ngoài ra, chúng ta cần phòng bệnh bằng cách sử dụng thức ăn đã nấu chín, uống nước đã đun sôi, xử lý các chất thải sạch sẽ (không phóng uế bừa bãi), rửa tay thường xuyên trước khi ăn, thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn mền, thường xuyên làm vệ sinh đồ chơi trẻ em.

Lưu ý, không ăn các thức ăn chưa nấu chín như phở bò tái, hải sản sống hoặc tái… Những người hay bị ngứa da, chữa da liễu không khỏi nên xét nghiệm giun sán.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT