Sunday, January 19, 2025
Trang chủSức khỏeHạch sưng, dấu hiệu báo bệnh

Hạch sưng, dấu hiệu báo bệnh

Khi cơ thể nổi hạch, sưng bất thường, đừng chủ quan, hãy theo dõi và đi khám ngay. Sưng hạch là dấu hiệu của bốn loại bệnh, trong đó có ung thư. Bác sĩ (BS) Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã cho biết như vậy.

HachSung

Các nguyên nhân lành tính

Hạch (hạch bạch huyết) đóng vai trò như hàng rào bảo vệ cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Hạch bình thường có kích thước từ vài mm, nhỏ dưới 1cm, mềm, dẹt, di động, nằm ở các vị trí như nách, cổ, ngực, bẹn…

Khi bị bệnh, hạch sẽ sưng to. Nếu cơ thể bị nhiễm trùng, các hạch ngoại vi sẽ sưng, viêm và đau. Ví dụ, viêm họng, hạch ở cổ sẽ sưng đau. Hoặc tay bị nhiễm trùng, hạch nách sẽ sưng; chân nhiễm trùng hạch bẹn sưng… Nếu hạch sưng do nguyên nhân này chỉ cần dùng thuốc kháng viêm, kháng sinh để điều trị.

Một nguyên nhân khác dẫn tới sưng hạch là cơ thể nhiễm siêu vi. Trường hợp này hay xảy ra ở trẻ dưới 12 tuổi. Trẻ đang độ tuổi phát triển, hàng rào bảo vệ cơ thể phải hoạt động tối đa để bảo vệ trẻ trước tác nhân gây bệnh. Khi trẻ nhiễm siêu vi, có thể hạch toàn thân bị phì đại, tự xẹp khi trẻ hết bệnh.

Khi cơ thể bị nhiễm trùng mạn tính cũng sẽ làm cho hạch sưng. Chẳng hạn với bệnh nhân bị lao hạch, ở cổ sẽ xuất hiện một loạt hạch lớn hơn 1cm, các hạch này có thể dính chùm với nhau. Ở thể nhiễm trùng mạn tính như lao hạch có thể điều trị khỏi, nhưng mất khá nhiều thời gian (từ chín tháng – một năm).

Hạch do ung thư

Hạch do ung thư khác những hạch do các nguyên nhân còn lại. Hạch này thường cứng, giai đoạn đầu di động và to lên rất nhanh, sau đó, hạch sẽ dính và không di động nữa.

Tuy nhiên, để kết luận có phải hạch do ung thư hay không, bệnh nhân cần được khám và làm các xét nghiệm kỹ càng.

“Một bệnh nhân tới bệnh viện với hạch sưng sẽ được khám lâm sàng và điều trị nội khoa. Khi uống thuốc mà kết quả không cải thiện, lúc đó BS mới siêu âm, thậm chí nội soi các vùng tương ứng. Nếu cần thiết, bệnh nhân còn được chụp CT, sinh thiết tế bào để xác định tính chất của khối hạch”, BS Thịnh nói.

Ung thư hạch có thể do chính khối hạch đó bị ung thư (ung thư nguyên phát) hoặc do ung thư ở bộ phận lân cận di căn tới. Khi bị sưng hạch ở nách thì vùng tương ứng có thể nghĩ tới là ung thư vú; hạch ở cổ: ung thư vùng đầu, mặt, cổ (ung thư vòm họng, răng, tuyến giáp…); hạch ở bẹn: ung thư dương vật; hạch ở ổ bụng: ung thư buồng trứng, dạ dày, đại trực tràng… Khi hạch đã di căn, đa phần bệnh ung thư ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, BS Thịnh khuyên bệnh nhân không nên từ bỏ hy vọng bởi một số loại ung thư dù đã di căn hạch vẫn còn có cơ hội điều trị tốt. Những bệnh ung thư khi di căn hạch vẫn can thiệp tốt là ung thư tuyến giáp, ung thư vú.

Riêng đối với ung thư phổi, gan, khi đã di căn hạch là tình trạng bệnh khá nặng. Dù chưa di căn hạch, tính chất của bệnh ung thư gan, phổi cũng đã nặng và khó điều trị hơn các loại ung thư khác.

Theo thống kê tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, đa phần các bệnh nhân tới khám hạch đều bị ung thư (do những bệnh nhân này đã đi điều trị hạch ở nhiều nơi sau đó mới tới bệnh viện). Trong y văn, tỷ lệ ác tính của hạch bị sưng khoảng từ 5-10%.

BS Thịnh lưu ý, khi thấy cơ thể nổi hạch, hãy đi khám ngay để được xác định và điều trị kịp thời. Dù thế, mọi người cũng không nên quá hoang mang nếu thấy cơ thể bỗng xuất hiện hạch, bởi như đã nói ở trên, hầu hết nguyên nhân là các bệnh lành tính.

Với trẻ em dưới 12 tuổi bị nổi hạch, phụ huynh cũng đừng quá hoảng sợ, bởi phần lớn đó là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT