Trong 3 phần trước, các bạn đã được giới thiệu về chụp ảnh cận cảnh, chụp cực gần (macro) và các thiết bị hỗ trợ chụp cận cảnh. Trong phần cuối này các bạn sẽ được tìm hiểu về ống kính macro, một thiết bị chuyên dụng để chụp ảnh cực gần.
Các thiết bị giới thiệu trong những bài trước như thấu kính cận, ống nối, vòng nối hay kỹ thuật đảo ngược ống kính là những giải pháp mà bạn có thể chọn lựa để chụp ảnh cực gần khi ví tiền không rủng rỉnh và tận dụng những thiết bị sẵn có.
Nhưng có một sự thật hiển nhiên là để chụp được những bức ảnh cực gần tuyệt vời nhất thì bạn cần có ống kính macro. Nếu bạn thực sự yêu thích thể loại chụp cực gần, đặc biệt có khao khát bán được những tấm hình mình chụp, thì bạn nên sắm cho mình một ống kính macro. Có nhiều lý do để sắm ống macro:
Tái tạo kích thước thật
Tái tạo kích thước thật (hay còn gọi là tỷ lệ 1:1) là cách mà bạn tiếp cận được vật thể ở khoảng cách đủ gần để chụp được một tấm hình với kích thước vật thể trên cảm biến tương đương kích thước ngoài đời thật (giữ nguyên kích thước thật).
Phần lớn các ống macro tiêu chuẩn được thiết kế để giúp cho người chụp tái tạo kích thước 1:1 (1x) ở khoảng cách lấy nét cực gần. Tuy nhiên cũng có những ống macro cho phép bạn chụp vật thể với kích thước trên cảm biến lớn hơn kích thước thật nhiều lần. Chẳng hạn như ống Canon MP-E65 f2.8 1-5x như hình minh họa ở trên. Ống kính này cho phép nhiếp ảnh gia có thể chụp đối tượng với độ phóng đại gấp 5 lần.
Tối ưu hóa hình ảnh
Ống macro được thiết kế để tối ưu hóa hình ảnh, cho ra những bức ảnh sắc nét nhất ở một tiêu cự tối thiểu. Đây chính là lý do mà người chụp ảnh thường ưa thích sử dụng ống macro.
Các ống kính không phải macro thì chỉ cho ra những bức ảnh đẹp nhất ở khoảng cách mà nó được thiết kế (thông thường từ 1m trở lên). Khi người chụp lắp thêm thấu kính cận, ống nối hoặc đảo ngược ống kính, họ có thể chụp được vật thể ở một tiêu cự gần hơn, tức là họ đã sử dụng biện pháp để vượt qua giới hạn thiết kế của ống kính.
Với những thiết bị nói trên, bạn cũng sẽ chụp được những tấm ảnh đẹp, nhưng sẽ không thể so sánh được với ảnh chụp bằng ống macro “xịn”.
Một số tính năng khác của ống macro
Ống macro còn được trang bị một số tính năng khác giúp người chụp vận hành dễ dàng hơn. Chẳng hạn như một số ống được trang bị vòng đỡ ống kính (tripod collar). Vòng đỡ cho phép người chụp xoay camera từ chế độ chụp ngang sang chụp dọc mà ống kính vẫn giữ nguyên khoảng cách lấy nét. Nếu không có vòng đỡ, mỗi khi người chụp xoay ống kính, anh ta sẽ phải lấy nét lại.
Ống macro còn được trang bị chức năng chống rung quang học (Canon dùng thuật ngữ Image Stabiliser, còn Nikon gọi là Vibration Reduction). Một số máy ảnh tích hợp chức năng chống rung quang học ngay trên thân máy, vì thế chức năng này không phải quá quan trọng đối với ống macro.
Ống Canon EF 100mm f2.8L Macro IS USM (hình trên) có tính năng chống rung HIS (Hybrid Image Stabiliser). Đây là một kỹ thuật chống rung quang học mới. Nó triệt tiêu được những tác động rung lắc khi bạn cầm máy chụp vật thể ở khoảng cách cực gần. Đây là ống kính macro duy nhất có khả năng chống rung cực tốt.
Tính linh hoạt
Ống macro không chỉ dùng để chụp ảnh cận cảnh và ảnh cực gần. Bạn có thể sử dụng chúng để chụp ảnh phong cảnh, ảnh chân dung. Đặc biệt khi kết hợp ống macro với loại máy ảnh dùng cảm biến nhỏ crop-sensor (Crop sensor nhỏ hơn full frame sensor – loại cảm biến có kích thước tương đương với tấm phim 35 cổ điển 24x36mm) thì cho ra những bức ảnh khá đẹp, không bị tối góc hoặc mờ góc.
Các ống macro của hãng thứ ba
Một trong những điều quan tâm nhất của người chụp ảnh là giá của ống macro. Thường thì ống macro có giá khá đắt. Nhưng bạn có thể tiết kiệm một chút tiền nếu chọn mua ống macro của hãng thứ ba thay vì mua ống cùng hãng chế tạo thân máy.
Bạn có thể mua ống Sigma 50mm f2.8 EX DG Macro với giá 369 USD. Đây là loại ống macro tiêu cự cố định với tỷ lệ tái tạo kích thước vật thể 1:1. Ống này được các nhiếp ảnh gia đánh giá khá tốt. Bạn có thể sử dụng nó làm ống chính của máy ảnh dùng cảm biến full frame để chụp phong cảnh, hoặc để chụp chân dung với những máy ảnh dùng crop sensor. Bạn cũng có thể trang bị ống kính của các hãng như Sigma, Tamron và Tokina.
Tiêu cự
Điều quan tâm sau cùng khi chọn mua một ống macro chính là tiêu cự của ống. Nếu bạn định chụp côn trùng hoặc những loài vật trong tự nhiên, bạn nên mua một ống macro có tiêu cự dài (trên 100mm). Nó sẽ giúp bạn không phải tiến sát tới loài vật khi chụp, gây “kinh hãi” cho những con côn trùng khiến chúng bay đi.
Đèn flash dạng vòng (Ring Flash)
Nếu bạn thực sự chú tâm vào thể loại chụp cực gần, bạn nên có đèn flash dạng vòng. Phần lớn các hãng máy ảnh đều cung cấp đèn flash dạng vòng để gắn vào phía trước ống kính. Loại đèn này sẽ cung cấp ánh sáng ở mọi phía, làm cho bóng đổ của vật thể nhẹ đi. Nó cũng giúp cho nhiếp ảnh gia chụp được những tấm ảnh trong điều kiện ngoại cảnh thiếu sáng, hoặc sử dụng ISO thấp. Ở tấm ảnh trên tác giả đã sử dụng đèn flash dạng vòng Canon MR-14EX gắn với ống macro Canon EF 60mm để chụp.
Theo Digital Photography School