Lẩu cua đồng được nhiều ưa thích vì vị chua thanh mát lại vẫn đậm đà, rất thích hợp cho những ngày trời se lạnh như dịp Tết dương lịch. Cùng nấu lẩu cua đồng nhâm nhi cùng gia đình ngày Tết dương, bạn nhé!
Với cách làm lẩu cua đồng như thế này, cả nhà sẽ có một món ngon Tết dương lịch đầy hấp dẫn và thú vị.
Nguyên liệu: (cho 5-6 người ăn)
– Cua đồng: 700 gram
– Xương ống: 500 gram
– Bắp bò: 500 gram
– Đậu phụ: 4 bìa
– Cà chua: 4 quả to
– Sấu xanh: 5 – 6 quả
– Dấm bỗng: 1/2 bát con
– Gừng: 2 củ to
– Hành khô: 10 củ
– Rau nhúng lẩu: Rau xà lách hoặc rau diếp, tía tô, kinh giới, hoa chuối… (Có thể thay thế bằng các loại rau ưa thích)
– Dầu ăn, gia vị…
Thực hiện:
1. Ninh nước dùng xương
– Trước tiên, đặt vỉ nướng lên bếp ga, để lửa ở mức vừa phải, nướng xém vỏ một nhánh gừng nhỏ và 3 – 4 củ hành khô. Nướng xong, dùng dao bóc vỏ, rửa sạch. Đập dập gừng và hành để riêng.
– Xương ống rửa sạch, chần qua nước vừa đun sôi, vớt ra rửa lại một lần nữa. Cho xương, gừng và hành khô đã đập dập phía trên vào nồi, thêm 2 – 3 thìa canh gia vị cùng với 1 – 1.5 lít nước.
– Nếu dùng nồi áp suất, các bạn chỉ ninh khoảng 25 – 30 phút là được. Nếu ninh trên bếp ga bình thường, lưu ý không để sôi quá mạnh sẽ làm nước dùng không được trong.
2. Lọc cua
– Cua đồng mua về đổ vào trong nồi nhỏ, xóc đều với muối hạt cho cua nhả hết bẩn. Rửa nhiều lần với nước. Tách bỏ phần mai, gạt gạch cua vào bát nhỏ. Phần thịt cua cho vào cối giã nhuyễn.
– Nếu không muốn lích kích, các bạn có thể mua cua giã sẵn ngoài chợ.
– Hòa cua xay với khoảng 1 – 1.5 lít nước sạch để lấy nước. Nên bóp nhuyễn cua xay khoảng 5 – 10 phút để phần nước được đặc.
– Tiếp theo, lọc lấy nước trong qua một chiếc rây nhỏ.
3. Rán đậu
– Đậu phụ rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn, để thật ráo nước. Không nên rán đậu ngay sau khi mua về hoặc mới rửa vì đậu còn nhiều nước và khó rán giòn.
– Cho đậu phụ vào chảo dầu nóng già. Rán đều tay trên lửa to để đậu vàng đều và giòn nhưng vẫn giữ được độ mềm, béo bên trong.
4. Ướp thịt bò.
– Gừng gọt sạch vỏ, rửa sạch, đập dập hoặc thái con chì tùy thích. Nêm khoảng 1 thìa canh gia vị, trộn đều. Chỉ nên ướp thịt bò trước khi ăn 20 phút để thịt không bị thâm.
5. Chuẩn bị rau nhúng lẩu.
– Rau xà lách và các loại rau thơm khác mua về nhặt bỏ gốc, rửa sạch, để ráo rồi thái nhỏ vừa ăn.
– Mọi người thường thích ăn lẩu cua với rau sống, tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể dùng lẩu cua với một số loại rau mùa lạnh khác rất ngon như rau cải chíp, rau cải xoong, nấm…
6. Chế nước lẩu.
– Cà chua rửa sạch, bổ cau, không nên thái cà chua quá mỏng. Sấu xanh rửa sạch, nạo vỏ. Hành khô đập dập hoặc thái mỏng tùy thích. Tùy theo sở thích bạn có thể tăng số lượng hành khô. Càng nhiều hành khô phi thơm thì nước lẩu càng thơm.
– Đặt nồi lẩu lên bếp ga, đổ nước dùng xương đã ninh đầy 1/2 nồi. Tiếp theo, đổ bát nước cua xay đã lọc vào đầy nồi. Cho cà chua, sấu, dấm bống và gia vị, đun nhỏ lửa.
– Ở bước này cần đun nhỏ lửa để gạch cua đóng bánh. Nếu vội vàng đun trên lửa to thì gạch cua sẽ tan vào nước, khi ăn không cảm nhận được rõ rệt mùi vị của gạch cua.
– Trong thời gian chờ nước lẩu sôi, cho dầu ăn vào chảo nhỏ, chờ nóng già thì thả hành khô vào phi vàng.
– Khi hành khô lên màu vàng, tắt lửa, nhanh tay đổ bát gạch cua vào, dùng đũa khuấy nhẹ.
– Đổ phần gạch cua vừa phi thơm bên trên vào nồi nước dùng vừa sôi lăn tăn. Lúc này, bạn cũng có thể vớt gạch cua ra một bát, lúc nào ăn thì thả lại vào nồi.
7 Bây giờ, nồi lẩu cua đồng thơm ngon đã sẵn sàng để gia đình bạn thưởng thức. Nồi lẩu cua đồng hấp dẫn, thanh mát vị chua của dấm bống và sấu tươi, nước dùng ngọt, đậm đà.
Chúc các bạn ngon miệng với món lẩu cua đồng vào Tết dương này nhé!