Sunday, January 19, 2025
Trang chủSức khỏeNhiễm khuẩn họng miệng, coi chừng nguy cơ thấp tim

Nhiễm khuẩn họng miệng, coi chừng nguy cơ thấp tim

Tiêm phòng thấp là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa thấp tim tái phát, hạn chế tiến triển của bệnh van tim do thấp.

sk-13-10Tại Việt Nam, hiện nay, thấp tim vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh van tim. Thấp tim gây ra bởi các vi khuẩn thuộc nhóm liên cầu, đặc biệt sau viêm họng do liên cầu từ vài tuần đến vài tháng, dẫn đến tổn thương các cấu trúc van tim, tiến triển dần gây dày, co kéo, vôi hóa tổ chức van tim. Nhờ sự phát triển nhanh của nhiều loại kháng sinh, tỉ lệ thấp tim ngày nay đang có xu hướng giảm rõ rệt. Tuy nhiên tỉ lệ thấp tim ở Việt Nam còn cao.

Bản chất của bệnh thấp tim rất hay tái phát, đặc biệt trong thời kỳ thiếu nhi và thanh niên, mà mỗi lần tái phát làm cho bệnh tim có thể nặng lên các tổn thương van tim tiến triển nhanh hơn. Tuy nhiên, thấp tim có thể phòng ngừa được bằng cách giáo dục tốt chế độ vệ sinh phòng bệnh, khi có viêm họng do liên cầu cần điều trị sớm, đầy đủ, và đặc biệt, khi phát hiện bị thấp tim cần được quản lý theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế và tiêm phòng thấp đầy đủ. Tiêm phòng thấp là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa thấp tim tái phát, hạn chế tiến triển của bệnh van tim do thấp.

Thuốc dùng để tiêm phòng thấp là penicillin tác dụng chậm. Cũng giống như các kháng sinh khác, tác dụng không mong muốn của thuốc có thể gặp đầu tiên là phản ứng dị ứng với thuốc biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ như mẩn ngứa, nổi mề đay, nặng hơn có thể có biểu hiện shock phản vệ. Trước khi tiêm phòng thấp, tất cả các bệnh nhân đều được thử phản ứng trước, nhằm làm giảm thiểu nguy cơ xảy ra phản ứng không mong muốn với thuốc. Một số tác dụng phụ khác cũng có thể gặp là đau vị trí tiêm, do tiêm không đúng kĩ thuật, chảy máu, hay tiêm vào thần kinh ngồi (ít gặp).

Thời gian tiêm phòng thấp

Bắt đầu tiêm phòng thấp ngay sau khi điều trị đợt thấp tim cấp.

Thời gian tiêm dự phòng thấp thay đổi tuỳ theo tình trạng bệnh: Thấp tim lần đầu hay tái phát nhiều lần, bệnh thấp tim có ảnh hưởng đến tim và các van tim hay chưa, mức độ ảnh hưởng đến van tim như thế nào…

Thông thường thời gian phòng thấp tùy theo từng bệnh nhân cụ thể:

+ Thấp tim có viêm cơ tim, để lại di chứng van tim: Dự phòng ít nhất đến 40 tuổi, có thể suốt đời.
+ Thấp tim có viêm tim nhưng chưa để lại di chứng van tim: ít nhất 10 năm cho đến tuổi trưởng thành, một số trường hợp lâu hơn.
+ Thấp tim không có viêm tim: phòng liên tục trong 5 năm, nếu trong 5 năm có 1 lần tái phát thì phòng đến 21 tuổi hoặc lâu hơn tùy trường hợp.

Thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn, xuất hiện sau khi nhiễm khuẩn đường họng miệng. Vi khuẩn gây bệnh là liên cầu gây tan huyết nhóm A. Trong vòng 2-3 tuần sau nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim.

Bệnh thấp tim phổ biến nhất ở lứa tuổi từ 5-15 tuổi, dù bệnh có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ hơn và cả người lớn. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ nam và nữ là như nhau.

Thấp tim có thể gây các biến chứng nặng nề ở não, tim, khớp, da. Ở tim, thấp tim để lại những hậu quả kéo dài như viêm tim, dày dính van tim. Lâu dần sẽ dẫn tới tổn thương van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.

Mặc dù ngày nay hiếm gặp ở các nước phát triển, thấp tim vẫn còn phổ biến ở các nước đang phát triển, nhất là những nơi có điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng kém như châu Phi hay Nam Á. Ở Việt Nam, tỉ lệ thấp tim đã giảm nhiều nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân phải đến viện với di chứng tổn thương van tim, hậu quả của việc bị thấp tim lúc trẻ.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT