Tết đang cận kề với phố phường ngập sắc hương hoa. Đây cũng là dịp để các “phó nháy” có thêm nhiều nguồn cảm hứng để sáng tạo. Dưới đây là các thủ thuật giúp chụp hoa đẹp hơn trong những ngày xuân.
Chọn ống kính
Sử dụng ống kính với độ mở lớn nhất để tách hoa với phông nền
Chế độ macro trên máy ảnh compact và ống kính macro cho máy ảnh DSLR rất thích hợp để chụp ảnh hoa với thể loại Close-up, chụp cận cảnh đặc tả. Chế độ này cho phép tiến gần đến cảnh vật và lấy nét, làm chủ thể được phóng to tràn đầy khuôn hình mang lại cái nhìn khá lạ mắt. Một điểm lưu ý khi chụp với chế độ mày là độ sâu trường ảnh nhỏ, hạn chế khoảng nét.
Để và tách riêng một bông hoa với khung cảnh xung quanh, nên sử dụng ống kính macro hoặc tele. Chụp ở khẩu độ mở lớn sẽ giúp xóa phông nền và tập trung sự chú ý của người xem vào bông hoa. Đây là kỹ thuật tuyệt vời khi muốn chụp những bức ảnh ấn tượng bằng máy ảnh cá nhân.
Bố cục ảnh hoa, lá
Để tránh bố cục nhàm chán khi chụp thể loại ảnh này, người chụp chỉ cần đơn giản di chuyển chủ thể cần chụp ra khỏi tâm khung hình. Bố cục ảnh một phần ba tương tự như thể loại ảnh chân dung cũng là một lựa chọn tốt, giúp những bức ảnh hoa sẽ trông chuyên nghiệp hơn nhiều. Bên cạnh đó, thay vì chụp hoa từ một góc cao hơn, hãy cố gắng hạ thấp góc nhìn sao cho ngang tầm với chủ thể. Nếu có thể hãy cố gắng hạ thấp góc máy khi chụp ảnh hoa cỏ để có được những góc nhìn mới, ấn tượng hơn.
Bố cục 2/3 có thể sử dụng trong hầu hết các trường hợp
Ngoài ra, hãy thay đổi tư thế cầm máy từ phương ngang sang phương thẳng đứng. Mặc dù tư thế này có phần hơi khó với một số người mới làm quen với nhiếp ảnh – nhưng hầu hết các nhiếp ảnh gia đều sử dụng góc chụp đứng cho thể loại ảnh này; hơn nữa, số lượng ảnh chụp hoa theo phương thẳng đứng cũng có tần suất xuất hiện trên tạp chí, sách báo nhiều hơn so với kiểu chụp ngang thông thường.
Thiết lập chế độ chụp
– Cài đặt ISO thấp từ 100 – 200 để có chất lượng hình ảnh cao nhất và giảm tối đa hạt nhiễu.
– Có thể chụp ảnh RAW để các chi tiết hình ảnh được đảm bảo cho việc xử lý hậu kỳ.
– Thiết lập cân bằng trắng với ánh sáng ban ngày.
– Sử dụng chế độ chụp một ảnh, không sử dụng chế độ chụp liên tục.
– Sử dụng khẩu độ nhỏ (f/8, f/11, 1/16) khi muốn có khoảng nét dày hơn, mặc dù chụp cận cảnh luôn tạo độ nét nông khá rõ ràng.
– Sử dụng khẩu độ lớn nhất có thể (f/4, f/8, f/2…) khi muốn nhất mạnh chủ thể trên một nền mờ.
Với ảnh hoa cỏ, việc lựa chọn điểm lấy nét để tạo điểm nhấn thay vì sử dụng chế độ lấy nét đa điểm là một yếu tố hết sức quan trọng giúp tạo chiều sâu cho ảnh. Một bức ảnh chụp hoa mà trong đó tất cả mọi thứ đều rõ nét như nhau được cho là một bức ảnh tệ vì thiếu điểm nhấn.
Một bức ảnh hoa được cho là đẹp nhờ có điểm nhấn.
Thời gian và thời tiết
Thời gian tốt nhất để có thể chụp những tấm ảnh hoa đẹp thường vào buổi bình minh hay trước khi mặt trời lặn. Lúc này, sắc hoa sẽ có độ bão hòa màu tốt nhất, do ánh sáng môi trường không quá gay gắt và gió cũng không quá mạnh ở một số nơi.
Thời tiết u ám, có mây sẽ tạo ánh sáng phân tán thuận lợi chụp hoa hơn ngày trời nắng. Ngoài ra, cần lưu ý đến gió, “kẻ thù” khi chụp hoa. Một cơn gió nhẹ dễ dàng làm những bông hoa lay chuyển, khiến bông hoa lệch khỏi khuôn hình hoặc bị rung, mờ.
Trong kỹ thuật chụp ảnh macro với hoa cỏ, ánh sáng cũng là một yếu tố quyết định tính “sống còn” của một bức ảnh. Có thể sử dụng nguồn sáng tự nhiên hay đèn flash để tạo những hiệu ứng đặc biệt cho ảnh chụp. Tuy nhiên, do chụp từ khoảng cách gần, hãy chú ý điều tiết công suất đèn flash tích hợp sao cho hợp lý bằng cách tham khảo sách hướng dẫn sử dụng máy ảnh. Nếu có điều kiện, hãy đầu tư đèn flash chuyên chụp cận cảnh như Macro Ringflash để cung cấp nguồn sáng phụ cho vật mẫu.
Chụp hoa với nguồn sáng ngược làm nổi bật các chi tiết của hoa.
Thêm hiệu ứng
Thêm những giọt nước cho hình ảnh thêm sinh động
Có thể sử dụng bình xịt nước để tạo thêm sương phủ lên những bông hoa. Và thêm một vài giọt nước sẽ giúp những bông hoa tươi tắn hơn, có thêm sức sống.
Chú ý hậu cảnh
Một yếu tố quan trọng khác không thể không nhắc đến chính là luôn quan sát hậu cảnh thật kỹ lưỡng trước khi bấm máy. Một bức ảnh hoa với phông nền rối sẽ không làm nổi bật được chủ thể cần chụp. Nếu có thể can thiệp trực tiếp vào cảnh chụp, hãy tăng khoảng cách giữa mẫu vật với hậu cảnh và dùng khẩu độ lớn (trị số nhỏ) để làm mờ phông nền.
Theo Dantri