Hồng bì là loại cây nhỏ, cao 3 – 5m, lá kép, 7 – 9 lá chét. Hoa màu trắng. Quả mọng mầu vàng, ăn được. Cây được trồng phổ biến để lấy quả. Nhiều bộ phận của cây hồng bì được dùng làm thuốc có tác dụng tốt:
Lá: Phụ nữ đôi khi lấy lá hồng bì nấu nước gội đầu làm sạch gầu, thơm và trơn tóc. Lá (20 – 30g) phơi khô, thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml uống làm một lần lúc nóng cho ra mồ hôi để chữa cảm nắng, sốt và ho.
Vỏ thân: Vỏ thân hồng bì (30g), rễ sử quân (20g), quả khế chua (20g). Thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, sắc uống trong ngày. Phụ nữ sau khi đẻ dùng cho khỏe.
Quả: Khi buồn nôn, lấy quả hồng bì tươi, nhai cả vỏ, nuốt nước dần dần. Quả hồng bì phơi khô, bỏ hạt (50g), vỏ rễ dâu (tang bạch bì, 50g), củ sả (50g), củ bách bộ (50g), ô mai (50g), cát cánh (50g), hạnh nhân (50g), kinh giới (50g), cam thảo (50g), bạc hà (50g).
Tất cả sắc với nhiều lần nước. Lấy nước đặc, thêm đường nấu thành si rô. Mỗi lần uống 1 – 5 thìa con tùy theo tuổi lớn, nhỏ và bệnh nặng hay nhẹ. Thuốc chữa ho gà (Kinh nghiệm của Bệnh viện đồng Muối huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà).
Quả hồng bì tươi bổ đôi, hấp với đường, ăn chữa ho rất công hiệu.
Hạt: Để chữa đau bụng, lấy hạt hồng bì phơi hoặc sấy khô, tán bột. Mỗi lần uống 6 – 10g, ngày uống 2 – 3 lần. Hạt hồng bì và dây bông xanh, lá vông vang, dùng tươi, giã nát, lấy nước xoa bóp, bã đắp còn chữa rắn độc cắn.