Saturday, November 23, 2024
Trang chủSức khỏeTre - Vị thuốc lâu đời

Tre – Vị thuốc lâu đời

Để chữa mất ngủ, tâm phiền hồi hộp, dùng tinh tre 16 g, mạch môn (củ cây tóc tiên) 16 g, sắc nước uống trong ngày. Tinh trẻ là vị thuốc chế bằng cách cạo bỏ vỏ xanh bên ngoài của cây tre, sau đó cạo lấy lớp thân bên trong thành từng mảnh hay sợi mỏng.

Cây tre được sử dụng làm thuốc trong dân gian và đông y từ lâu đời. Nhiều vị thuốc được chế từ cây này. Chẳng hạn, tinh tre có tác dụng thanh hóa nhiệt đàm, trừ phiền, chống nôn; dùng chữa ho đờm vàng đặc, bồn chồn mất ngủ, nôn mửa.

Trúc diệp là lá tre bánh tẻ hoặc lá non của cây tre, có tác dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân dịch, lợi niệu. Nó thường được dùng chữa nhiệt tà gây tổn thương tân dịch, phiền táo, khát nước, miệng lưỡi lở loét, tiểu tiện sẻn đỏ. Tác dụng của lá bánh tẻ và lá non còn cuộn tròn (búp tre) tương tự như nhau; nhưng khi chữa các bệnh nhiệt ở phủ vị thì người ta thường dùng lá, còn khi chữa bệnh nhiệt ở tạng tâm thường dùng búp.

Trúc lịch là vị thuốc chế bằng cách chặt tre tươi, cắt thành từng đoạn, nướng lên và vắt lấy nước; hoặc uốn cong cây tre non ngay tại bụi tre, phạt ngọn, buộc cọc ghìm vào miệng bình, lấy đuốc lửa đốt phần giữa, nước cốt – trúc lịch sẽ chảy dần vào bình. Nó có tác dụng thanh nhiệt, trừ đờm, định suyễn; dùng chữa hen suyễn do đờm nhiệt, trúng phong hôn mê, kinh giản, điên cuồng.

Ngoài ra, măng tre, cặn đọng trong đốt tre (thiên trúc hoàng) cũng có thể sử dụng làm thuốc.

Tre-Chua-Benh_2Một số bài thuốc từ cây tre

– Dự phòng viêm não B: Dùng lá tre, vỏ bí đao, lá sen, rễ cỏ tranh mỗi thứ 9 g, sắc nước uống thay nước trong ngày. Để dự phòng viêm não, mỗi tuần cần uống 1-2 ngày.

– Chữa sốt cao, mê man do viêm não: Dùng trúc lịch 30-50 g, hòa với nước đã đun sôi, chia ra uống trong ngày.

– Chữa ho suyễn, hoặc trúng phong cấm khẩu: Gừng sống giã vắt lấy nước cốt 1 chén, hòa với 1 chén trúc lịch cho bệnh nhân uống dần.

– Chữa ho khan: Dùng lá tre, rau má, vỏ rễ dâu mỗi thứ 12 g, quả dành dành (sao vàng) 8 g, lá chanh 8 g, cam thảo 6 g; nước 700-800 ml, sắc còn 250-300 ml, chia 2 lần uống trong ngày; cũng có thể tán thô, hãm vào phích uống dần. Dùng cho các trường hợp ho khan, đờm sát, cổ họng khô và ngứa, rêu lưỡi vàng mỏng.

– Chữa viêm màng phổi có tràn dịch: Lá tre 20 g, thạch cao 20 g, vỏ rễ dâu, hạt rau đay, hạt bìm bìm, rễ cỏ tranh, thổ phục linh, bông mã đề mỗi thứ 12 g. Dùng 600 ml nước, sắc còn 200 ml; uống hết một lần trước bữa trưa 30 phút. Lại thêm nước, sắc lần thứ hai, uống trước bữa cơm chiều. Cùng với việc điều trị bằng kháng sinh, bài thuốc này có tác dụng hỗ trợ rất tốt.

– Chữa nấc (do nhiệt): Dùng lá tre, tinh tre, gạo tẻ (rang vàng) mỗi thứ 20 g, thạch cao (nướng đỏ) 30 g, bán hạ 8 g, mạch môn (bỏ lõi) 16 g, tai quả hồng 10 cái; nước 800 ml, sắc còn 300 ml, chia hai lần uống trong ngày. Thuốc này có tác dụng thuận khí, giáng hỏa, thích hợp với chứng nấc do nhiệt – kèm theo các triệu chứng người bứt rứt, khát nước, miệng hôi, tiểu tiện đỏ sẻn, đại tiện táo kết… Không dùng cho chứng nấc do hàn.

– Chữa miệng lưỡi lở loét: Búp tre 15- 20 g, sinh địa 10 g, mộc thông 10 g, cam thảo 8 g, sắc nước uống thay nước trong ngày. Bài thuốc có tác dụng “thanh tâm trừ phiền”, dùng trong trường hợp Tâm kinh thực nhiệt, phiền táo, khát nước, miệng lưỡi lở loét, tiểu tiện vàng sẻn.

– Chữa đái ra máu: Lá tre , mạch môn, mã đề, rễ cỏ tranh, thài lài tía, râu ngô mỗi thứ 20 g; nước 700 ml, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống trong ngày. Thuốc này có tác dụng thanh tâm, lợi niêu, chỉ huyết (cầm máu), thích hợp với chứng tiểu tiện xuất huyết do nhiệt độc tích tụ ở bàng quang.

Đánh giá bài viết
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
- Advertisment -

BÀI VIẾT MỚI NHẤT