Mỗi sáng ngủ dậy, bạn thường thấy có những cục ghèn nơi khóe mắt. Vì sao có ghèn? Nó lợi gì cho mắt hay không? Mời bạn cùng tìm hiểu.
Mỗi sáng ngủ dậy, bạn thường thấy có những cục ghèn nơi khóe mắt. Vì sao có ghèn? Nó lợi gì cho mắt hay không?
Các nhà khoa học cho biết, mắt của động vật có vú luôn luôn được phủ bởi màng nước mắt 3 lớp để giúp cho mắt hoạt động tốt. Như vậy bình thường, luôn luôn có màng nước mắt phủ lấy đôi mắt của bạn, gồm 3 lớp: gần mắt nhất là lớp glycocalyx, đây là một lớp chủ yếu là màng nhầy. Nó phủ giác mạc, hút nước và tạo điều kiện cho lớp thứ hai trải đều ra. Lớp thứ hai là dung dịch nước mắt với thành phần chủ yếu là nước. Bề dày của lớp này chỉ vào khoảng 4 micromet – tương đương với độ dày của một sợi tơ nhện.
Nhưng lớp này có vai trò rất quan trọng: giữ cho mắt của chúng ta được bôi trơn và giúp cho mắt tránh khả năng bị nhiễm khuẩn. Lớp ngoài cùng được tạo thành một chất nhờn gọi là meibum vốn được tạo nên từ những chất béo như axit béo và cholesterol. Meibum đã tiến hóa để phù hợp với sự thay đổi của cơ thể động vật có vú. Ở nhiệt độ cơ thể người bình thường thì nó là một chất lỏng nhờn trong suốt. Nhưng khi nhiệt độ giảm xuống 1 độ C thì nó sẽ trở thành chất đặc như sáp và đó chính là ghèn ở khóe mắt của bạn.
Cấu tạo giải phẫu mi mắt và tuyến tiết meibum.
Ghèn được hình thành trong giấc ngủ của bạn vì một số nguyên nhân: Một là về đêm thân nhiệt của bạn giảm khiến cho meibum cô đặc lại vì nhiệt độ giảm xuống dưới mức nhiệt tan chảy của nó. Lý do thứ hai, theo nhà nhãn khoa người Australia, Robert G. Linton giấc ngủ khiến các tuyến dẫn meibum giảm hoạt động làm cho một lượng meibum nhiều quá mức bình thường được tiết ra trên mí mắt trong khi chúng ta ngủ. Nghĩa là vào ban đêm thì mắt của bạn được phủ nhiều meibum hơn ban ngày và khi meibum đó lạnh đi sẽ tạo thành nhiều ghèn ở khóe mắt bạn.