Nứt gót chân là một vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là trong những tháng mùa đông nhiều người sẽ than phiền về những cơn đau đi kèm nứt da ở bàn chân.
Dấu hiệu đầu tiên của việc nứt gót chân là hiện tượng khô, cứng, dày da, da đổi màu nâu vàng hoặc đen. Các vết nứt ảnh hưởng chủ yếu ở lớp biểu bì, đôi khi đi sâu vào lớp hạ bì gây đau dữ dội. Áp lực quá mức lên gót chân, làm da vùng này trở nên dày và khô ráp, gót chân bị bẹp rộng sang hai bên có thể khiến các vết nứt chảy máu. Bàn chân vốn là môi trường ẩm ướt và nóng, do đó nó là nơi sinh sản tuyệt vời của nhiều loại vi khuẩn như Staphylococcus, Pseudomonas, hoặc vi nấm như Candida và Trichophyton khiến các vết nứt dễ nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng sẽ càng làm nặng hơn các vết nứt ở chân, thỉnh thoảng có thể gây viêm mô tế bào (nhiễm khuẩn ở mô sâu dưới da) và nhiễm trùng máu (rất hiếm).
Một số người thiếu hụt kẽm và omega -3 cũng dẫn đến gót chân nứt.
Có một số người dễ bị nứt gót chân?
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
– Tuổi từ trung niên trở lên, vì lão hóa làm mất các loại chất béo tự nhiên của da khiến da khô và dễ bị nứt. Phụ nữ có xu hướng bị nhiều hơn nam giới, bởi vì họ thường đi dép và giày mà không có vớ.
– Đi chân trần.
– Đi sandal, dép xỏ ngón.
– Không đi vớ (tất).
– Thừa cân, béo phì.
– Bệnh tiểu đường: có nhiều khả năng nhiễm trùng vết nứt hơn người không bị tiểu đường. Nứt gót chân là mối quan tâm đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, những người có thể bị tổn thương thần kinh (mất cảm giác, đặc biệt là bàn chân), vì các vết nứt có thể dẫn đến loét bàn chân đái tháo đường.
– Suy giáp: làm giảm tiết mồ hôi, dẫn đến khô da dễ nứt nẻ
– Vệ sinh chân kém.
– Biến dạng bàn chân bẩm sinh.
– Nhiễm nấm (nấm da) bàn chân.
– Bệnh vẩy nến.
– Vận động viên hoặc những người ra mồ hôi chân quá nhiều.
Nứt gót chân có thể lan đến bàn tay?
Nứt gót chân không phải là bệnh lây, nên không thể lan đến bàn tay. Nếu cả bàn tay và bàn chân đều bị dày da và nứt đau, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ da liễu vì có thể chúng ta đang mắc bệnh dày sừng lòng bàn tay bàn chân hoặc chàm khô.
Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?
Đừng chần chừ tìm đến bác sĩ da liễu nếu các vết nứt trở nên đau nhiều hơn, sưng, nóng, hoặc chảy dịch bất thường (ví dụ: màu xanh hay vàng). Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường không được đắp bất kỳ loại lá thuốc gì lên vì sẽ làm tình trạng nhiễm trùng khó giải quyết và có thể tạo apxe vùng gót chân.
Phòng ngừa nứt gót chân
Việc điều trị tốt nhất cho da khô, nứt là phòng ngừa.
– Tránh đi giày chật, để da chân được “thở”.
– Giữ ẩm cho da gót chân bằng kem giữ ẩm, thoa hàng ngày sau khi tắm.
– Không bóc/cắt/gọt da gót chân vì làm tăng nguy cơ trầy xước, chảy máu, và nhiễm trùng.
– Hạn chế đi giày đế cứng, nên đi kèm vớ (tất).
– Đừng duy trì một tư thế đứng trong thời gian dài trên sàn cứng hoặc giày cao gót.
– Thoa kem dưỡng ẩm cho chân sau khi tắm 2-3 lần/1ngày là vô cùng quan trọng và đôi khi là tất cả những gì chúng ta cần để chữa lành nứt gót chân. Có thể dùng đá bọt (pumice stone), cọ xát nhẹ nhàng để lấy đi một số vùng da dày và cứng trước khi thoa kem dưỡng ẩm.
– Sử dụng xà phòng dịu nhẹ trong khi tắm (ví dụ: Eucerin wash lotion, Cetaphil, Physiogel…)
– Không sử dụng nước nóng quá mức khi tắm vì làm giảm các loại dầu của da.
– Uống nhiều nước để giữ cho làn da ngậm nước.
– Tránh dùng rượu và cafein sẽ làm tăng cảm giác ngứa ở vết nứt gót.