Bánh trôi lá cẩm có cách thực hiện không quá, không quá cầu kì, vậy bạn có thể tự tay nặn bánh cho ngày Tết Hàn Thực này rồi.
Nguyên liệu
– 1 gói bột nếp Thái (400g)
– 200g đậu xanh đãi vỏ
– 300g đường đỏ (đường tán, đường viên hoa mai,đường thốt nốt đều được)
– 1 củ gừng
– 1 bó lá cẩm (200g)
– 2 muỗng cà phê muối
– 2 muỗng canh mè trắng rang vàng
– 1 muỗng cà-phê tiêu (nếu thích)
– 1 trái dừa già (nếu thích dùng thêm nước cốt dừa hoặc sợi dừa nạo)
Cách làm
Bước 1: Đậu xanh vo sạch, ngâm nước (có pha 1 muỗng cà phê muối) qua đêm hoặc ngâm 2 tiếng trước khi hấp chín. Sau khi ngâm, đổ hết nước ngâm, vo lại lần nữa rồi để nước xâm xấp mặt đậu, nấu chín tơi. Đậu chín cho ra rá, tải đều cho nguội bớt rồi cho vào máy xay xay mịn. hoặc dùng muỗng tán nhuyễn.
Bánh trôi lá cẩm
Bước 2: Nếu thích nhân bánh có vị ấm nồng của tiêu thì nêm vào đậu 1 muỗng cà phê tiêu, sau đó nếm lại nhân, nếu nhân nhạt thì rắc thêm một chút xíu muối cho đậm đà rồi vo thành các viên nhân nhỏ bằng quả tắc. Sau khi vo xong nhân, dùng nilon bọc thực phẩm (wrap) bọc lại để nhân không khô.Nhân đậu sẽ dùng làm bánh trôi.
Bước 3: Lấy 3 viên đường tán (100gr) chặt thành những viên đường nhỏ bằng viên bi làm nhân bánh chay
Lá cẩm mua về nhặt hết lá già, rửa sạch, cắt khúc cho vào nồi, đổ thêm 150ml nước, nấu chín (như nấu canh) thì tắt bếp. Lọc nước lá cẩm để riêng ra chén, chờ nước ấm mang nhồi bột.
Bước 4: Chia nếp thành 2 phần bằng nhau, mỗi phần trộn thêm một chút xíu muối. Với phần nếp muốn giữ nguyên màu trắng, ta dùng nước ấm để nhồi thành khối bột dẻo mịn. Với phần nếp muốn nhuộm màu tím, ta lấy chén nước lá cẩm vừa nấu, chờ nước ấm thì nhồi.
Bước 5: Sau khi nhồi xong 2 khối nếp, để riêng từng khối vào 2 tô khác nhau, bọc wrap và để 20 -30 phút cho bột nở đều sau đó mang bột ra chia thành từng viên nhỏ bằng viên nhân, vo tròn ấn dẹp, đặt viên nhân vào giữa rồi bọc nhân lại cho kín.
Bước 6: Bột màu tím dùng bọc nhân đậu xanh làm bánh trôi. Phần bột màu trắng vo nhỏ hơn bọc viên đường làm bánh chay.
Bước 7: Trong khi vo bột, đặt một nồi nước lên bếp. Khi đã vo xong bánh, đợi nước sôi thì nhẹ nhàng thả bánh vào. Không dùng muỗng đũa khuấy vào nồi bánh luộc để bánh khỏi bị nát. Bánh chín sẽ tự nổi lên.
Bước 8: Chuẩn bị sẵn một nồi/ thau nước lọc. bánh chín dùng vợt múc ra, chon ngay vào thay nước lạnh để bánh không bị dính và “đổ nhựa” khi ăn với nước đường.
Bước 9: Dùng một nồi khác, cho vào 1,5 lít nước + 200gr đường còn lại + gừng gọt vỏ, cắt chỉ. Nấu nước đường đến khi sôi bùng lên thì vặn lửa nhỏ, để liu riu. Nếu muốn ăn ngọt hay nhạt hơn, có thể thêm bớt đường tùy ý.
Bước 10: Thả bánh trôi lại vào trong nồi nước đường để bánh được nóng và ngấm mùi gừng, ăn sẽ thơm ngon hơn. Riêng bánh chay phải ăn nguội mới ngon nên không thả lại vào nồi nước đường mà xếp ra từng dĩa nhỏ, bên trên rắc mè rang. Tùy khẩu vị ta có thể cho thêm sợi gừng trong nồi nước đường hoặc sợi dừa bào lên mặt bánh.
Bí quyết
Nếu không mua được bột nếp Thái, có thể dùng bột nếp Vĩnh Thuận hay Tài Ký thay thế.
Nếu không muốn ăn dẻo hoàn toàn, có thể pha bột với tỉ lệ 8 -2, tức là 8 phần bột nếp, 2 phần bột gạo để bánh cứng hơn.